Sunday, January 13, 2019

Giấc Mơ Của Kẻ Lang Thang

Trời vào cuối đông mang đậm hơi rét buốt. Trên hè phố vội vã những bước chân trở về nhà. Những bàn tay đan vào nhau của đôi tình nhân và một kẻ cô đơn kéo cao cổ tấm áo choàng để giữ mình ấm áp. Người ta thờ ơ với mọi thứ xung quanh chỉ chú tâm vào con đường trước mặt…

Bên hè phố, một ông cụ xác xơ gầy nhom trong tấm áo mỏng và đôi dép lê tơi tả. Ông cụ ngồi đó co ro ôm mình và khẽ đắp lên mình thêm một tờ báo mà người ta mới vứt lại. Cạnh ông cụ là một ống bơ nhỏ với vài đồng xu lẻ… Một đứa trẻ nghịch phá, vờ đi qua thả hòn đá vào cái lon của ông cụ và bước nhanh… Ông cụ giật mình vì tiếng kêu cái lon vội ríu rít “cảm ơn”… Rồi chợt nhận ra chỉ là trò đùa oái oăm, ông thở dài… Một đám trẻ con khác đi qua nhặt được cái dép rách ở đâu đó, chúng đứng từ xa và ném cái lon… Những đồng tiền xu kêu leng keng và văng tứ tung ra ngoài… Cái rét cắt da cắt thịt vào cuối đông với ông cụ có lẽ không lạnh bằng cái tình người như thế.

Con người ta lúc rơi vào bi kịch đau khổ hỏi lòng: “Sao mình lại cơ cực thế này?” Sao ông lại đến nỗi thế này? Phải chăng ông làm điều gì đó ác chăng?!... Giọt nước mắt lăn dài trong sự tủi hờn. Ông cụ vẻ mặt khắc khổ, những nếp nhăn già nua của sự cơ cực đang lom rom trong cái rét bò ra đường nhặt từng đồng xu bỏ lại vào cái lon mà tay ông, cả người ông run lên bần bật. Môi ông tái nhợt… Kí ức ùa về trong ông…

Vợ ông mất sớm, ông sớm hôm chăm sóc lo cho ba đứa con ăn học nên người… Chúng đều thành đạt cả và khá giàu có. Còn ông an phận trong ngôi nhà của mình. Thế rồi, thằng lớn lập gia đình. Nó say đắm với người vợ và gia đình nhỏ của nó. Lúc đầu, mỗi tuần nó về thăm ông một lần. Sau thì một tháng một lần. Khi có con thì… một năm nó về được hai lần. Cuộc sống kéo nó xa dần ông cụ. Đứa thứ hai lập gia đình… Nhưng nó lại lấy một cô vợ bên Pháp và vì thế nó chẳng có thời gian về với ông. Thằng út cũng học hành thành tài, kiếm được vợ giàu giúp đỡ nó, rồi cũng chu tất được căn nhà nhỏ cách ông hơn mười cây số.
Một ngày kia thương cha mà thằng cả với thằng ba bàn nhau : “Thôi cha đã già, anh em nên thay nhau chăm ông. Đón ông về nhà cho tiện bề chăm sóc!”. Sau đó họ thuyết phục ông bán căn nhà cũ để đến ở luân phiên hai nhà… Căn nhà bán liền có người mua. Ông cụ đến nhà thằng con cả. Được dăm bữa nửa tháng thì không sao nhưng sự tuần hoàn lặp lại làm cô con dâu cả rất khó chịu. Vì không muốn thấy sự già nua và vụng về của ông bố chồng. Cô không muốn ông gần gũi với bọn trẻ vì cho rằng ông cụ quê mùa sẽ làm hỏng tương lai lũ trẻ và tiêm nhiễm vào đầu chúng những điều cổ hủ lạc hậu… Ông cụ vô tình nghe được những điều ấy từ miệng con dâu nói với chồng nên ông cụ “xin phép” được về ở với gia đình thằng ba, coi bề cuộc sống cũng dễ chịu hơn… Ông cụ đã già, ăn uống rất ít và kham khổ quen rồi. Ông nghĩ có lẽ gia đình con thứ ba sẽ không hắt hủi ông…
“Nhà của bố mẹ, là nhà của con

Nhưng nhà của con không phải nhà bố mẹ”

Đi suốt một đời người cho đến giờ ông mới thấm thía câu nói đó. Một tháng sau… Ông đã ở nhà con thứ mà không có tiếng phàn nàn gì. Rồi một hôm, hai vợ chồng nó đi vắng, đứa con út năm tuổi ở nhà. Ông nói chuyện tỉ tê với nó. Trẻ con thì nói thật…

- Ông ơi ông! Bố mẹ cháu bảo, sắp xây một căn nhà thật lớn, Lúc đó bố mẹ sẽ cho ông ra ở riêng cho đỡ gánh nặng_ Để ông ở căn nhà kia kìa…

Con bé chỉ vào phía căn nhà bếp cấp bốn cũ kĩ góc vườn vẻ đe dọa sắp sập. Ông cụ mới ngớ người ra. Giọt nước mắt trào khỏi khóe mi… Có lẽ.. ông cụ không thuộc về nơi nào cả… Ông cụ nín thinh… Cứ im lặng cho đến khi căn nhà được hoàn thành đúng như lời con bé kể…

- Ba ạ - người con thứ mở lời – Tụi con mới xây nhà nhưng bọn trẻ hay ồn ào quá, cha nên ra ở riêng ở nhà dưới. Hằng ngày con sẽ cho bọn trẻ mang đồ cho ba. Con sợ ba ở nhà trên này không tiện…

Trong thâm tâm, ông hiểu là người con dâu thứ ba là người đứng sau, vì con bé con đã nói cho ông như vậy. Một phần vì ông hiểu cô con dâu khôn khéo không bộc lộ ra ngoài. Nhưng lại nhờ chồng như đuổi khéo cha. Ông nín lặng dọn đồ xuống nhà bếp ở. Hai vợ chồng không chút áy náy vì nghĩ ba cũng vui lòng. Ông cụ ở đó, hằng ngày hai đứa cháu thay nhau mang rau luộc với cá khô xuống. Ông nín lặng hồi lâu vì một lần lên nhà lấy ít đồ thấy trên mâm cơm la liệt sơn hào hải vị: cua, mực, chả cá băm viên, thịt gà chiên bừa phứa, rơi cả xuống sàn và con chó đang liếm láp… Ông trở xuống nhà dưới nén tiếng thở dài… “Giờ ông có khác gì tù nhân?”



Con bé gái lớn đã 8 tuổi. Nó thấy ông cụ nhìn thấy mâm cơm ấy, nó cũng thương ông lắm. Có lần, nó lén giấu ba mẹ đem một hộp sữa cho ông cụ. Ông nhìn nó mắt nhòa đi mà đỡ lấy. Ông uống ngon lành. Ít phút sau, ông nghe trên nhà tiếng con bé khóc thét và mắng chửi của cô con dâu. Ông như muốn òa khóc vì thương con bé. Từ hôm sau đó không thấy nó mang cho ông cụ nữa. Không lâu sau, ông thấy cô con dâu đổ hộp sữa ra cái bát cho con chó liếm. Không biết có phải cô con dâu cố tình không… Ông ngồi co ro vào một xó suy nghĩ mà tủi về số phận mình nên tối đó ông bỏ nhà đi không từ biệt. Được năm hôm thì đói quá, ông mò về nhà. Chỉ có con bé con ở nhà. Nó ra đón ông rất tình cảm, lấy đồ cho ông ăn:

- Ông đi đâu mấy hôm nay thế?

- Ôg…ng… - giọng ông ngập ngừng…

- Mặc dù mẹ cháu bảo ông đi rồi, may quá. Nhưng ông hãy ở lại, ông đừng đi nữa. Ông xảy ra chuyện gì, bố cháu chết!...
Sự ngây thơ thật thà của trẻ con không có tội. Ăn xong, ông cụ ngồi nghỉ. Đến khi con bé bận, ông cụ lại bỏ đi, để lại cái thư: “Cảm ơn cháu của ông! Hiểu cho ông, ông không muốn là gánh nặng của ai hết” Giọt nước mắt ông long lanh trên trang giấy và giờ, nhỏ xuống đường…

Trời cuối đông thật lạnh!

…Leng keng… Từng đồng xu rớt xuống ống bơ nặng nề đau khổ… Giá mà, căn nhà không bán! Ông mơ lại cái ngày còn vợ và những đứa con thơ vui biết nhường nào, hạnh phúc biết bao… Giá mà, được quay lại cái ngày ấy, dù chỉ là một ngày cũng đủ hạnh phúc rồi. Ông chỉ có mong muốn nhỏ bé ấy thôi chứ nào có nhiều nhặn gì!
Nhưng hiện thực thì vẫn là hiện thực, đói thì đầu gối phải bò, phải đi xin thiên hạ, nên ông cụ mới cơ cực như thế này. Muốn sống không được, muốn chết không xong… Suốt một đời nhiều giông bão nhưng phút cuối đời thế này ông rơi vào bi kịch không khác gì con thuyền giấy giữa bão tố của biển khơi…

Miên man những suy nghĩ đã qua, cái rét thấm đến tận tủy… Ông cụ chợt thấy ánh bình minh lóe sáng trong ấm áp. Ông cụ mỉm cười bước về phía ánh sáng… không hề cảm thấy lạnh nữa…

Ông thấy trong gió nhẹ những hạt bụi vàng long lanh, ông như tan ra theo những hạt bụi ấy… Có lẽ cát bụi lại trở về với cát bụi là thế!

Một cô bé đi qua đường, bước chân chậm lại nhặt nốt giùm ông những đồng xu vào cái lon và đặt lại cạnh ông. Ông thấy cô bé cởi chiếc áo ấm của mình đắp lên thân xác đã tái nhợt, tím ngắt… rồi cô bé ôm mình rảo bước nhanh về phía cuối phố… “Đâu đó tình người vẫn còn ấm áp dù chỉ là của trẻ thơ!” Ông mỉm cười nhìn theo cô bé và hòa nốt phần hồn còn lại của mình theo cát bụi ấm áp kia...

22/11/2014

No comments:

Post a Comment