Sunday, January 13, 2019

Cùng Tôi Đi Thêm Một Đoạn Đường Nhé


Tình yêu đầu giống như một viên kẹo ngon, ta luyến tiếc chẳng dám bóc vỏ nó ra, nhưng lại vẫn nôn nóng muốn nếm thử vị ngọt ngào bên trong ấy. Có người lại nói, tình yêu giống một cơn gió bay ngang qua mùa hạ, để cho ta vương vấn chẳng biết khi nào nó sẽ trở về. Mà cơ hội đã đi rồi thì sẽ khó có lại lần thứ hai. Nên với tôi, người đã đứng nhìn cậu ta suốt mấy năm nay canh giữ chiếc vỏ kẹo nhàm chán này, giờ tôi chỉ muốn nói cho cậu ta biết: "Vị ngọt ấy không làm cho cậu nghiện được đâu, đừng có sợ!"




Người như cậu ta giống như một sự hiện diện đặc biệt vậy, nghe nói gia đình cậu chuyển hẳn về khu này, nên mới buộc phải xin đổi trường. Mà thành tích trong trường cấp hai chúng tôi, nó đứng thứ nhất toàn huyện đấy, bởi vì ngoài nó ra thì cả huyện Thái Thuỵ chúng tôi chẳng còn trường cấp hai nào khác cả. Với tình trạng như thế, khi cậu bước vào lớp, trong cái nháo nhác ồn ào của ba mươi chín cái miệng, trông cậu giống hệt như một thiên sứ. Năm lớp tám, tôi ngồi sau cậu ta, tôi cũng như bao đứa trẻ ở độ tuổi nổi loạn khác, ngày ngày đều lên trường bày trò nghịch phá. Việc tôi thích làm nhất chính là cầm cán bút khều khều vào áo cậu bạn bàn trên này, mặt tròn của bút khi rờ lên da sẽ mang cảm giác nhột nhạt. Tôi cứ thế chậm chậm vẽ từng đường uốn lượn lên lưng cậu.

Thế mà cậu chẳng nói gì cả. Đến cả một cái liếc mắt cũng không dành cho tôi, chỉ chăm chú nhìn lên bảng ghi chép. Nhiều lần như vậy không đem lại hiệu quả, tôi cáu gắt quay hẳn đầu bút, vung mấy vết lên áo cậu - chiếc áo trắng tinh tươm.

“Cậu!”

“Cái gì?” Tôi trợn mắt lên nhìn lại cậu ta. Nhìn đôi lông mày nhíu lại, nổi bật trên làn da trắng nõn mịn màng. Cậu ta ngay lập tức “Hừ” một tiếng quay lên trên, tiếp tục ngó lơ tôi. Tôi cũng buồn chán chẳng muốn đi khều cậu nữa, tự nhiên cảm thấy mất hết thú vị. Hơn người thì hay lắm chắc!

Lớp chúng tôi nằm trên tầng hai, tỉ lệ nam nữ cân đối, chỉ là 'nói bậy chửi thề’ cứ như một bức thư mời để đặt chân tới thế giới của người lớn, của sự trưởng thành - ở trong mắt chúng tôi lúc ấy. Cho nên từ con trai, tới con gái, từ học sinh tám năm xuất sắc, tới “anh hai” hai năm đúp lớp đều coi đó là một chuyện thường tình. Chỉ có cậu, mang một đôi kính cận mỏng, mái đầu mềm mại luôn cúi xuống ghi ghi chép chép, chưa hề nói ra một từ bị cấm nào, kể cả từ lóng cũng không. Giữa những đứa trẻ ngỗ nghịch bọn tôi, cậu như một bức tượng trắng muốt, đặt cạnh bên những tên côn đồ chẳng có chút tế bào thưởng thức nghệ thuật nào. Cũng vì thế mà cậu bị tụi con trai trong lớp cô lập.

“Ê Hoàng!” Một anh bạn to béo đứng trước bàn cậu.

Cậu ngừng cây bút đang viết hí hoáy, nâng mắt nhìn lên.

“Đưa tao mượn bài tập vật lý!” Chàng béo này phải to gấp hai lần cậu, mỗi khi nói từng tấc thịt ở trên da cũng rung lên.

“Tôi cho người khác mượn rồi.” Cậu không để ý tới giọng hằn học của gã, lật mở ra thêm một trang sách.

“Đi đòi cho tao, tiết ba cô lên rồi!” Hắn hất hàm ra lệnh.

“Mày có đang nghe không đấy!” Một lúc lâu cũng chẳng thấy cậu ấy động đậy, béo ta đã trở nên nóng nảy.

“Hỏi Diệu My đi, tôi không rảnh.” Cuối cùng cậu cũng lên tiếng.

“Soạt!” Tiếng những cuốn tập rơi xuống nền đất, trên bàn Hoàng đang cầm lấy chiếc bút - vật duy nhất không thể bị kéo xuống - may mắn thoát nạn, để lộ một mặt bàn hoàn toàn trống trơn. Gã béo hậm hực giậm từng bước về bàn của gã. Cả lớp hơi ngưng trệ trong chốc lát vì tiếng động này, rồi lại nhanh chóng ồn ã trở lại.

Mấy tuần qua tôi là người nhìn rõ nhất những sự việc kiểu này xảy ra với cậu. Cũng như, chiếc áo trước mặt tôi cũng đã có lắm những mảng xanh nhạt loang lổ. Tôi thờ ơ nhìn cậu ta bước ra khỏi bàn, nhặt từng quyển sách, nhặt chiếc hộp bút móp méo đặt lên lại ngay ngắn, trên đó có hình một chú gấu tươi cười màu vàng. Chuyện này không thể tránh được, khi mà chỉ sau vài tiết lên lớp, cô chủ nhiệm phát hiện ra cậu là bảo vật quý giá nhất cô từng trông nom - vừa ngoan ngoãn, vừa học tập giỏi giang. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, cô cũng chẳng ngần ngại cho cậu lên làm lớp phó học tập, thay cô đốc thúc các bạn việc học, cũng như kỷ luật ở trong giờ.

Cậu ấy có một cuốn sổ, trên đó ghi rõ ngày tháng và cả tên những ai thiếu bài tập, những ai ý thức không tốt trong lớp. Bình thường cậu chẳng chơi thân với ai cả, gương mặt luôn là một vẻ tĩnh lặng, rất khó gần. Thời điểm kiểm ra bài nếu thấy sai phạm cũng chưa từng bỏ qua một ai, dù cho có bị doạ nạt thế nào; cho nên chẳng hề khó hiểu khi mà hầu như cậu đã đắc tội với một nửa lớp tôi. Với một đứa ngồi ngay sau, chuyên làm việc riêng và đi học muộn như tôi, tên tôi có lẽ là những chữ cậu thuận tay nhất vài tuần nay: Huỳnh Nhật.

Y như đã định, sang tiết ba khi mà cô Vật Lý thu bài tập về nhà, tên kia bị cô phạt lên đứng trên bục giảng. Diệu My mà cậu từng nhắc đến là một bạn gái học khá khác của lớp, không may là hôm nay cũng chưa kịp làm xong, mà số lượng bài lại quá nhiều, thế là gã liền bực bội mặc kệ luôn. Suốt cả giờ học, tôi nhận thấy gã nhìn chăm chú về phía Hoàng, khuôn mặt vặn vẹo dữ tợn.

Tan học, chỉ còn một vài thành viên làm trực nhật nấn ná dừng ở trong lớp học. Tôi xách chiếc cặp sách nhẹ tênh vắt sau vai, bước chân sáo về bãi gửi xe. Ngày hôm nay trước khi về tôi có ghé vào căng-tin trả tiền “sổ nợ” với cô bán hàng nên xuống lấy xe muộn hơn bình thường. Lúc này chỉ còn một bóng dáng áo trắng, cùng chiếc quần vải xanh xắn lên, đang đứng nhìn chăm chăm chiếc xe trước mặt.

“Ồ, thủng săm rồi.” Tôi đưa ra lời khẳng định.

Cậu ấy nghe tiếng, bấy giờ mới hoàn hồn nhìn lại tôi, từ khoảng cách gần tôi cảm nhận được mùi bạc hà thoang thoảng từ người cậu truyền đến. Ngoài một vài vệt xanh nhạt trên lưng áo, thì tổng thể trông cậu rất sạch sẽ, chỉnh tề, là một cậu bé ngoan chính hiệu. Tôi đương nhiên không có lý do gì để ghét cậu, nếu chỉ nhìn từ vẻ ngoài.

“Ông… là Nhật đúng không?” Giọng cậu hơi khàn, cứ như lâu lắm chẳng nói chuyện, mà đúng thật vậy.

“Tôi bị ông ghi tên cả trăm lần rồi đấy, lớp phó!” Tôi nhếch miệng cười.

“Có thể cho tôi mượn năm nghìn không?” Tôi để ý tay Hoàng nắm lấy góc áo khi nói ra câu này.

“Có thể. Với một điều kiện.” Tôi thành công nhìn gương mặt cậu chợt ngời sáng lên, lại nhanh chóng ủ rũ.

“Muốn gì ông nói đi.”

“Mỗi lần tôi đi học muộn ông không được ghi tên tôi nữa.” Tôi ra giá của mình.

“... Một lần.” Cậu khẽ cắn môi.

“Thôi nhé tôi về đây.” Tôi móc cặp vào xe mình, tính vờ đi trước.

“Được rồi! Nhưng cậu không thể muộn quá nhiều, điểm của lớp sẽ bị trừ...” Giọng cậu nghe ngày càng nhỏ.

Tôi cười thật tươi, nhét xấp tiền lẻ còn thừa lúc nãy vào tay cậu:“Ông hứa rồi đấy nhé, đừng quên.”

Rồi chẳng nhìn lại biểu hiện của cậu, đạp chống xe lăn bánh ra hướng cổng trường.

Cũng từ hôm đó, mối quan hệ giữa chúng tôi dường như đã thay đổi. Cậu ấy mặc dù lãnh đạm với tất cả mọi người, nhưng mỗi khi tôi gọi, cậu đều sẽ quay đầu lại, cũng chỉ để nhận lấy một câu “Không có gì” của tôi, lần nào cũng như lần nào. Mà nhờ một vài lần đi muộn học vẫn bình yên không bị nêu tên trước lớp, chúng bạn bắt đầu nể tôi hơn, cho rằng tôi đã “thu phục” được cậu ấy rồi. Tôi cũng cười cho qua.

Một năm nữa lại đến, lớp chín, tụi con trai chúng tôi đứa nào đứa nấy như được thay gân thoát cốt. Chỉ sau một mùa hè ngắn ngủi mà tên nào cũng cao nhỏng lên, cằm cũng lún phún xanh, và chất giọng ồm như vịt đực thì buồn cười không chịu được. Tuổi này bắt đầu chuộng yêu đương. Một vài nữ sinh trong lớp tôi vờ như có như không, hay đến bàn cậu hỏi bài. Có lúc còn nhờ cậu vẽ hộ bản đồ địa lý, lúc thì nhờ trang trí báo tường, tóm lại bất kể lý do nào, bàn cậu cũng luôn đông đúc mỗi giờ ra chơi. Năm nay cậu đã cao hơn, mái tóc ngăn ngắn, ống tay áo trắng muốt được gấp lên một đoạn, gương mặt hoàn hảo không một vết thâm dù là nhỏ nhất rất được tụi con gái ưa chuộng. Đúng vậy, tuổi này, nếu có một cậu trai trông thư sinh, học giỏi, lại đa tài, dĩ nhiên sẽ được con gái ủng hộ nhiệt liệt. Huống chi là giữa cả cái lớp toàn những “ông tướng” bắp tay còn to hơn đầu, lôi thôi tục tằn như chúng tôi.

Thế Hoàng không còn mặc những tấm áo sờn vai, cũ màu lúc trước nữa, tôi thấy cậu ấy cũng đã đổi lấy một chiếc xe mới, có hệ thống thắng lò xo. Mà cái chuyện trêu chọc mỗi ngày cũng đã thành hoài niệm của tôi, bởi vì lớp chín, tôi bị phân ngồi cách cậu một cái bàn. Kẻ tiếp quản vị trí của tôi tên Cảnh Du, anh bạn này cao ráo, rất giỏi thể thao, hay được gọi là 'hotboy’ trong khối, chỉ có điều tính cách có hơi khuyết thiếu. Cảnh Du thường nói ra năm câu, thì sẽ có ba câu tự khen chính mình, đề cao rằng có bao nhiêu cô gái gửi thư cho cậu ta, hay hội bạn bè đánh giá cậu “chơi được” thế nào. Thật lạ là Thế Hoàng lại chịu nghe tên này lải nhải mỗi ngày. Trong khi tôi biết mấy nhỏ bên lớp kia rõ ràng chẳng để tên này vào mắt.

Tự nhiên thấy hai người có đủ chuyện để nói, thấy cậu dần dần bị sự lanh lợi của hắn ảnh hưởng, trở nên sáng sủa, hay cười hơn, lòng tôi như có gì đó lặng lẽ cuộn trào lên. Tôi đã luôn nghĩ rằng chỉ có tôi là đặc biệt nhất với cậu, rằng sau bao lâu bao che lỗi lầm cho tôi, ít ra, cậu cũng đã coi tôi là bạn, đúng không? Thế mà nhìn đi, cậu thậm chí còn chăm chú nghe tên mỏ nhọn kia kể chuyện đông chuyện tây, ba hoa trên trường chưa chán, nghe nói cậu với hắn còn gọi điện thoại cho nhau nữa! Thời điểm đó, giá điện thoại bàn gọi đến tính bằng phút cũng không phải là rẻ. Chỉ có cái tên 'con nhà giàu’ kia mới dám chơi nổi như vậy. Tôi không cam lòng lại bắt đầu nghĩ ra những trò vô ý tứ hơn quấy phá cậu. Lúc đó tôi còn chưa nhận ra, thì ra bản thân đã muốn được cậu chú ý đến nhiều như thế.

Con trai bọn tôi mỗi khi leo tường hái trộm trái cây thấy vài thứ khó coi sẽ lén bắt về để hù doạ đám con gái. Hôm ấy, tôi cầm “chiến lợi phẩm” được gói kín bằng giấy báo, hiên ngang đi vào lớp. Tôi ngồi ở đằng sau, chờ cậu đến bỏ cặp sách xuống, chuẩn bị đặt mông ngồi lên, thì nhanh tay đẩy Cảnh Du ra không cho hắn kịp ngăn cản, nhét gói giấy đó lên chỗ cậu.

“Oái!” Tiếng cậu hô lên bất thình lình. Cả lớp tròn mắt ra nhìn.

Chỉ thấy lúc cậu nhỏm người, gói giấy báo đã sớm nhăn nheo, để lộ ra một cái đuôi đen thui, mặt cậu sạm lại.

Tôi là người đầu tiên phá ra cười. Tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo, biết chắc bây giờ cậu rất muốn chạy đi nôn, cái cảm giác ngồi lên "một đống mềm mềm" ấy mà, người sạch sẽ như cậu chịu không nổi. Tụi con trai cũng hùa theo giễu cợt, chả coi ai ra gì mà vỗ bàn vỗ ghế.

Thế Hoàng cánh tay run rẩy, nhìn thẳng vào tôi - kẻ đang nằm lăn ra bàn vừa cười vừa lau nước mắt, rồi quay lưng bỏ chạy ra khỏi cửa lớp.

Tôi cũng chẳng để lại chứng cớ cho cô giáo tìm đến mình, vơ gọn gói giấy ném xuống thùng rác tầng một, phi tang hủy tích! Chọc được cậu ta khiến tôi rất khoái trá, chỉ có điều tâm trạng này không duy trì được bao lâu. Một tiết trôi qua Thế Hoàng vẫn chưa về lớp.

Minh Huy - tên bàn trên - là người đầu tiên sốt sắng đi tìm cậu. Tôi ngồi lưỡng lự mãi, cuối cùng nhìn vào cặp sách với chiếc móc khoá hình con gấu vàng nho nhỏ kia, bực dọc vỗ bàn một cái, cũng chạy về hướng toilet. Có điều khi tôi chạy tới dãy nhà im lìm dưới bóng cây ấy, chỉ nghe có tiếng lá xào xạc và tiếng một vòi nước nào đó còn chưa khoá hết. Tôi bước tới gõ mạnh lên cánh cửa cuối cùng đang đóng, hét lên:

“Thế Hoàng! Cậu có ở trong đó không? Thế Hoàng !”

Không có ai trả lời.

Đầu óc tôi hơi hỗn loạn. Cậu ta có thể đi đâu được? Chợt tôi nghĩ đến, có lẽ cậu đã đến phòng y tế, thì nghe thấy một tiếng thút thít rất nhỏ, lại ngay đúng từ phía sau cánh cửa.

Tôi đứng chéo qua, đạp liên hồi lên núm cửa, cho đến khi nó long ra, tôi kéo văng cánh cửa nhựa ọp ẹp, một bóng người hiện ra trước mắt tôi.

Cậu ấy ngồi đó, hai tay giữ chặt phần mặt, cố không để cho những tiếng nức nở thoát ra ngoài, nhưng lại càng làm những vết bầm đỏ trên cánh tay thêm bắt mắt. Tóc cậu rối tung, ướt nhẹp, gọng kính chẳng biết đã rớt ở nơi nào, cúc áo cái còn cái không, rất thê thảm.

Tôi không dám tin vào mắt mình. Chỉ mới chưa đầy một tiếng đồng hồ, chuyện gì đã xảy ra thế này?

“Thế Hoàng.” Tôi vươn tay muốn chạm vào vai cậu, đôi vai đang run rẩy không ngừng.

“Cút đi! Tránh xa tôi ra!” Bỗng nhiên cậu gào lên, một tay quơ loạn hòng đuổi tôi đi.

Không còn giữ bình tĩnh được nữa, tôi nắm chặt lấy cổ tay cậu bắt cậu phải nói chuyện với tôi:

“Chuyện gì đã xảy ra? Hả Hoàng!”

Không còn bị che giấu, gương mặt cậu hiện lên rõ nét, sắc da tái nhợt, khoé miệng cậu sưng to, một bên má tím tái lại. Đôi mắt cậu tròn xoe ngước lên nhìn tôi, trước nay tôi vẫn hay thấy chúng, nhợt nhạt mà lạnh lẽo, cũng có linh động mà trong trẻo; chỉ là chưa từng thấy một đôi mắt như bây giờ: bi thương đến tột điểm.

Ngay khi nước mắt cậu rơi xuống, tôi bất chấp tất cả nhào tới ôm lấy cậu vào lòng, siết chặt lấy lồng ngực mảnh khảnh của cậu. Tôi không biết liệu rằng việc đó có thể khiến cậu thôi run rẩy hay không, nhưng ngay lúc này, đầu tôi như vừa bị ai đó nện một búa thật lớn, nặng nề đến khó thở, tôi chỉ mong tránh đi ánh mắt của cậu ấy. Ánh mắt như đang nói rằng tôi cũng chính là người đã gián tiếp đẩy cậu vào cảnh này. Tôi ôm chặt Hoàng, vụng về dùng đầu ngón tay xoa lưng cậu, tôi ước gì mình có thể biết được chuyện đã xảy ra, nhưng Hoàng đã rơi vào hoảng loạn, sau một lúc cố vùng vẫy, Hoàng lấy cả hai tay đấm thật mạnh lên người tôi, tôi cũng mặc. Rồi lại qua thêm một phút, cậu ấy buông thõng tay xuống, không còn phản kháng nữa mà gục đầu vào vai áo tôi. Tôi biết cậu đang khóc rất nhiều, vì nhanh chóng nó đã ướt đẫm một mảng, cũng rưới lên cõi lòng nát tươm giờ này của tôi, mặn chát.

Chẳng biết đã qua bao lâu, khi cảm thấy người trong lòng mình mệt lả đi, tôi ôm ngang cậu ấy bước ra khỏi đây. Hoàng vẫn luôn im lặng, tôi cũng chẳng hỏi gì cả. Có rất nhiều khả năng đã chạy qua đầu tôi, lờ mờ, tôi dường như đã đoán được lý do mà cậu ấy tự nhốt mình như vậy. Tôi đưa cậu lên phòng y tế, giải thích sơ qua tình hình lúc phát hiện thấy cậu, cô hộ lý hốt hoảng lấy ra dụng cụ giúp Hoàng xử lý vết thương. Chuyện này xảy ra ngay trong trường, không muốn kinh động đến Ban giám hiệu cũng khó, nhưng tôi đã chẳng còn quan tâm nữa, chỉ chăm chú nhìn vào vẻ mặt mệt mỏi của cậu.

Thế Hoàng chỉ yên lặng nằm trên chiếc giường nhỏ, trên người cậu đầy những miếng băng trắng, tôi ngồi một bên, khẽ hỏi:

“Tôi đi lấy cho cậu ít nước nhé?”

Thấy ánh mắt cậu vẫn chỉ nhìn mãi một hướng, tôi không đành lòng xem bờ môi cậu khô ráp tới nứt nẻ, toan đứng dậy đi ra phía ngoài. Ngờ đâu, cậu lại nắm chặt góc áo tôi, khiến tôi hơi mất đà, phải chống bớt một tay lên giường mới giữ được thăng bằng. Tầm mắt chúng tôi chạm vào nhau, lồng ngực ghé thật sát. Cậu ấy trông tiều tuỵ không ít, nhưng làn da sáng bóng như có ma lực, chiếc mũi thẳng, hơi hồng nhạt, đôi mắt nâu chan chứa bóng dáng khuôn mặt tôi. Tất cả khiến tôi không tài nào bĩnh tĩnh nổi, tôi nghe tiếng tim mình đập “bang bang” trong lồng ngực, mồ hôi cũng túa ra.

Tôi nuốt xuống một ngụm nước bọt, ý đồ dựng thẳng người dậy, ngồi lại y như cũ. Nếu ai mà nhìn tôi lúc này sẽ biết ngay, tôi đang đỏ bừng hết cả mặt. Tôi vì chạm phải ánh mắt cậu mà tim đập rộn ràng, ngay cả thần kinh thô như tôi cũng thấy không bình thường. Tôi lo lắng liếc về phía Hoàng, mà, có vẻ cậu ấy vẫn ổn…

Chiều hôm ấy tôi nhẹ nhàng đạp chiếc xe nhỏ chở cậu ấy về, bỏ chiếc xe đạp mới của cậu nằm hiu quạnh trong góc trường. Lần đầu tiên tôi đến nơi mà cậu vẫn sinh sống, thấy lòng mình hân hoan đến lạ. Thì ra trong một thoáng tôi lãng quên chính tình cảm của mình, có một hạt mầm đã chậm rãi đâm chồi, mỗi ngày vươn mình đón nắng mai, nhú lên từng chiếc lá xanh non xinh xắn. Tôi dường như đã thích Thế Hoàng.

Thích trêu chọc cậu ta, thích nhìn cậu tức mà không dám làm gì tôi, thích cậu chỉ đối với tôi đặc biệt, dù cho đó có là sự “ghét bỏ”. Thì ra không phải tự nhiên mà tôi được ngồi sau cậu, không phải ngẫu nhiên mà để cho tôi thấy hết lần này đến lần khác có người bắt nạt cậu, đương nhiên rồi, tất cả mọi chuyện xảy ra đều là để cho tôi có cơ hội bảo bọc cậu, để thương cậu nhiều hơn.

Vẫn đưa lưng về phía tôi, trước khi hình bóng cậu khuất sau song cửa sắt, tôi gọi nhỏ:

"Ngày mai, tôi lại đến đón cậu đi học được không?"

"Ừ. Cậu hứa nhé."

Ai đó nở một nụ cười trong veo.

Duyên phận như một đốm lửa nhỏ, thoảng thấp thắp lên những hi vọng cho những trái tim cằn cỗi, để rồi họ nhận ra bóng dáng mình trong mắt người kia, và tìm lại được con đường phía trước mình cần phải đi. Dẫu con đường này có khó khăn, tôi tin rằng nếu chúng tôi đã có thể gặp được nhau, được bên nhau, vậy nhất định vị Thần Sinh Mệnh cũng sẽ sắp đặt cho chúng tôi một vị trí nào đó trong số mệnh dài đằng đẵng của đối phương.

Tất yếu, mọi chuyện đều sẽ có ý nghĩa riêng của nó.

Hà Nội 23/07

Thanh Xuân, Em, Anh Và Phượng Vĩ


Tôi đã từng có một chuyện tình rất đẹp. Tuy chỉ là đã từng, nhưng mọi hồi ức về anh ấy vẫn tồn tại trong tôi một cách chân thành và mãnh liệt. Anh ấy là thanh xuân của tôi, là những tháng năm cuồng nhiệt và tươi đẹp nhất. Dẫu cho sau này tôi có trải qua bao nhiêu trắc trở, bao nhiêu thăng trầm đi chăng nữa thì anh vẫn sẽ là thanh chocolate có hương vị tuyệt vời nhất, sự ngọt ngào và đắng chát hoà quyện vào nhau một cách hoàn hảo đến không ngờ.

Tôi gặp anh vào một mùa hè rực rỡ màu hoa phượng. Năm ấy, tôi chỉ mới chuyển về trường được hai tháng, mọi thứ đối với tôi đều vô cùng xa lạ. Thầy cô, bạn bè, tôi không thể hoà nhập với bất cứ ai, thành ra lúc nào cũng cô đơn và lạc lõng. Những giờ giải lao, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi dưới những cành phượng vĩ, tận hưởng không khí trong lành từ lá cây và đọc một quyển tiểu thuyết hay ho nào đó. Trường học trong kí ức của tôi dạo ấy chỉ tồn tại cây phượng, ghế đá và những trang sách Nguyễn Nhật Ánh.

Một ngày chán chường.

Tôi vừa trải qua hai tiết toán. Đối với tôi, chín mươi phút đồng hồ với môn học khô khan này là một điều vô cùng kinh khủng. Như thường lệ, tôi chọn bừa một quyển sách trong thư viện rồi chạy ngay ra ghế đá. Lẽ ra tôi đã có thể thư thả ngồi phịch xuống để tận hưởng sự thoải mái này, nhưng không. Một chướng ngại vật đã làm hỏng chuỗi thói quen vô vị của tôi.

Anh ta ngồi trên cái ghế đá cũ kĩ đó, cái ghế đá vốn từ lâu đã không ai thèm ngó ngàng đến nó, tất nhiên là ngoại trừ tôi. Tôi khó chịu quay lưng bước đi, định bụng tìm một vị trí nào khác để kịp tận hưởng hai mươi lăm phút đồng hồ giải lao quý báu.

- Đừng vội!

Theo một lối phản xạ vô cùng tự nhiên, tôi quay đầu về nơi phát ra âm thanh kì lạ ấy. Vì sao kì lạ? Vì âm thanh ấy hình như hướng về phía tôi.

- Cậu... Gọi tôi?

Vào chính cái khoảnh khắc đầy khó chịu và ngượng ngùng ấy, tôi mới có cơ hội nhìn kĩ cậu thanh niên đáng ghét đã giành mất "địa bàn" của tôi. Có vẻ là đàn anh lớp trên, màu logo đặc trưng của khối mười một giúp tôi nhận ra điều này. Gương mặt, vóc dáng, theo cảm nhận của một con người dễ tính như tôi thì anh ta đáng được xếp vào hàng điển trai, mặc dù tôi không muốn thừa nhận điều này. Tuy nhiên, điều thu hút tôi nhất chính là quyển sách Bồ câu không đưa thư nằm trên tay anh ấy.

- Anh cũng thích Nguyễn Nhật Ánh sao?

Tôi thay đổi cả thái độ lẫn cách xưng hô sau sự việc ấy. Anh mỉm cười:

- Chào em, anh là Thiên.

Kể từ hôm ấy, chuỗi ngày nhạt nhẽo của tôi chính thức được thay hương đổi vị. Tôi không còn cô đơn một mình nữa, ghế đá cũng bớt trống trãi hơn. Mỗi giờ ra chơi, chúng tôi ngồi cạnh bên nhau, cùng nhau đọc sách, cùng nhau ngắm mây trời. Cứ như thế, chẳng biết tự khi nào tay anh đã nắm lấy tay tôi.

Từ ngày anh đến, cuộc sống của tôi từ một mảng đen xấu xí biến thành một bức tranh rực rỡ sắc màu. Tôi trở nên tự tin hơn trước đám đông khi nắm lấy tay anh. Nhờ có anh, tôi nhận ra bản thân không hề khó gần, vô dụng như cái mác mà mọi người vẫn gán cho tôi, tất cả chỉ đơn thuần là do tôi quá nhút nhát, quá cô đơn trong cái thế giới chỉ tồn tại riêng mình. Anh ấy là người tôi thương, là cành phượng vĩ rực rỡ nhất, là câu chuyện đẹp tuyệt vời của những năm tháng thanh xuân.



Cuộc tình của chúng tôi cứ trôi qua một cách êm đềm như thế. Thoáng chốc một mùa hạ lại sang.
Anh đèo tôi trên con Peugeot cũ kĩ của Pháp, chiếc xe đạp vốn đã nhạt màu theo guồng xoáy của thời gian. Chúng tôi cùng nhau đi qua những con đường nhuốm màu phượng đỏ, loài hoa chất chứa vô vàn những hồi ức về câu chuyện của hai người.
Bầu trời trong lành như thế, bỗng dưng lại đổ cơn mưa. Tôi thở dài. Hôm nay tôi đến đây vốn dĩ là muốn đón sinh nhật cùng anh. Việc mọi người đến chia vui và nguyện ước cho tôi vào ngày này đã là chuyện của rất nhiều năm về trước, khi tôi chỉ còn là một đứa bé con. Càng lớn, tôi càng ít nhận được sự quan tâm từ phía gia đình và xã hội, thành ra sinh nhật năm nào cũng quanh quẩn một mình, tự cầu chúc vài điều tốt đẹp cho bản thân. Nhưng bây giờ thì khác, bởi tạo hoá đã ưu ái tặng anh ấy cho tôi.

Anh dừng xe dưới một mái hiên để trú mưa. Anh chủ động nắm tay tôi, nhìn tôi bằng một ánh mắt rất lạ, rất lạ. Tôi chợt thấy trong lòng dâng lên một loại cảm giác vô cùng khó chịu. Dường như anh cũng nhận ra điều này. Bằng một chất giọng buồn bã, anh nói:

- Anh xin lỗi, Vân. Có lẽ chúng ta không tiếp tục được...

Tôi lặng người. Cái gì gọi là không thể tiếp tục được?

- Em cần một lí do, anh không phiền chứ?
Mưa rơi, lòng tôi vụn vỡ. Thì ra giông bão ngoài kia cũng chẳng khác giông bão trong lòng là bao. Mười lăm phút trước, tôi còn nung nấu ý định sẽ mời anh một bữa thật ngon lành, sẽ cùng nhau chụp những tấm ảnh thật đẹp để lưu giữ hồi ức của sinh nhật đầu tiên tôi có anh trong đời. Vậy mà, anh tặng tôi một chuỗi những cơn đau!

- Em biết đó, năm sau anh thi đại học. Thời gian dành cho em có lẽ anh không thu xếp được... Cho nên...
Tôi lắc đầu, ra hiệu cho anh dừng lại. Cũng phải thôi, tôi ở đây lúc nào cũng dựa dẫm vào anh, làm gánh nặng cho con đường mà anh muốn bước. Anh đã chủ động buông tay, tôi thực sự không còn lí do để mà níu kéo. Anh cũng thật lạ, bao nhiêu ngày không bộc lộ điều gì, đợi đến sinh nhật tôi mới đem loại chuyện đau lòng này mà nói ra.

- Thiên, anh có thể chụp cho em một tấm ảnh không?

Tôi cười, trống rỗng.

Anh gật đầu. Tôi lấy từ túi xách ra một chiếc máy ảnh nhỏ, đưa cho anh rồi chạy ra đứng dưới cơn mưa, dưới những cành phượng đỏ tươi rực rỡ. Tôi cố gắng nở một nụ cười thật đẹp, mặc cho trong lòng đầy rẫy bão giông. Nước mắt rơi thật nhẹ trên đôi má, nhưng chẳng ai nhận ra bởi chúng đã hoà cùng cơn mưa.

Dưới cành phượng vĩ năm ấy, tôi và anh trở thành người thương.

Dưới cành phượng vĩ hôm nay, tôi và anh hóa ra hồi ức.


Giấc Mơ Của Kẻ Lang Thang

Trời vào cuối đông mang đậm hơi rét buốt. Trên hè phố vội vã những bước chân trở về nhà. Những bàn tay đan vào nhau của đôi tình nhân và một kẻ cô đơn kéo cao cổ tấm áo choàng để giữ mình ấm áp. Người ta thờ ơ với mọi thứ xung quanh chỉ chú tâm vào con đường trước mặt…

Bên hè phố, một ông cụ xác xơ gầy nhom trong tấm áo mỏng và đôi dép lê tơi tả. Ông cụ ngồi đó co ro ôm mình và khẽ đắp lên mình thêm một tờ báo mà người ta mới vứt lại. Cạnh ông cụ là một ống bơ nhỏ với vài đồng xu lẻ… Một đứa trẻ nghịch phá, vờ đi qua thả hòn đá vào cái lon của ông cụ và bước nhanh… Ông cụ giật mình vì tiếng kêu cái lon vội ríu rít “cảm ơn”… Rồi chợt nhận ra chỉ là trò đùa oái oăm, ông thở dài… Một đám trẻ con khác đi qua nhặt được cái dép rách ở đâu đó, chúng đứng từ xa và ném cái lon… Những đồng tiền xu kêu leng keng và văng tứ tung ra ngoài… Cái rét cắt da cắt thịt vào cuối đông với ông cụ có lẽ không lạnh bằng cái tình người như thế.

Con người ta lúc rơi vào bi kịch đau khổ hỏi lòng: “Sao mình lại cơ cực thế này?” Sao ông lại đến nỗi thế này? Phải chăng ông làm điều gì đó ác chăng?!... Giọt nước mắt lăn dài trong sự tủi hờn. Ông cụ vẻ mặt khắc khổ, những nếp nhăn già nua của sự cơ cực đang lom rom trong cái rét bò ra đường nhặt từng đồng xu bỏ lại vào cái lon mà tay ông, cả người ông run lên bần bật. Môi ông tái nhợt… Kí ức ùa về trong ông…

Vợ ông mất sớm, ông sớm hôm chăm sóc lo cho ba đứa con ăn học nên người… Chúng đều thành đạt cả và khá giàu có. Còn ông an phận trong ngôi nhà của mình. Thế rồi, thằng lớn lập gia đình. Nó say đắm với người vợ và gia đình nhỏ của nó. Lúc đầu, mỗi tuần nó về thăm ông một lần. Sau thì một tháng một lần. Khi có con thì… một năm nó về được hai lần. Cuộc sống kéo nó xa dần ông cụ. Đứa thứ hai lập gia đình… Nhưng nó lại lấy một cô vợ bên Pháp và vì thế nó chẳng có thời gian về với ông. Thằng út cũng học hành thành tài, kiếm được vợ giàu giúp đỡ nó, rồi cũng chu tất được căn nhà nhỏ cách ông hơn mười cây số.
Một ngày kia thương cha mà thằng cả với thằng ba bàn nhau : “Thôi cha đã già, anh em nên thay nhau chăm ông. Đón ông về nhà cho tiện bề chăm sóc!”. Sau đó họ thuyết phục ông bán căn nhà cũ để đến ở luân phiên hai nhà… Căn nhà bán liền có người mua. Ông cụ đến nhà thằng con cả. Được dăm bữa nửa tháng thì không sao nhưng sự tuần hoàn lặp lại làm cô con dâu cả rất khó chịu. Vì không muốn thấy sự già nua và vụng về của ông bố chồng. Cô không muốn ông gần gũi với bọn trẻ vì cho rằng ông cụ quê mùa sẽ làm hỏng tương lai lũ trẻ và tiêm nhiễm vào đầu chúng những điều cổ hủ lạc hậu… Ông cụ vô tình nghe được những điều ấy từ miệng con dâu nói với chồng nên ông cụ “xin phép” được về ở với gia đình thằng ba, coi bề cuộc sống cũng dễ chịu hơn… Ông cụ đã già, ăn uống rất ít và kham khổ quen rồi. Ông nghĩ có lẽ gia đình con thứ ba sẽ không hắt hủi ông…
“Nhà của bố mẹ, là nhà của con

Nhưng nhà của con không phải nhà bố mẹ”

Đi suốt một đời người cho đến giờ ông mới thấm thía câu nói đó. Một tháng sau… Ông đã ở nhà con thứ mà không có tiếng phàn nàn gì. Rồi một hôm, hai vợ chồng nó đi vắng, đứa con út năm tuổi ở nhà. Ông nói chuyện tỉ tê với nó. Trẻ con thì nói thật…

- Ông ơi ông! Bố mẹ cháu bảo, sắp xây một căn nhà thật lớn, Lúc đó bố mẹ sẽ cho ông ra ở riêng cho đỡ gánh nặng_ Để ông ở căn nhà kia kìa…

Con bé chỉ vào phía căn nhà bếp cấp bốn cũ kĩ góc vườn vẻ đe dọa sắp sập. Ông cụ mới ngớ người ra. Giọt nước mắt trào khỏi khóe mi… Có lẽ.. ông cụ không thuộc về nơi nào cả… Ông cụ nín thinh… Cứ im lặng cho đến khi căn nhà được hoàn thành đúng như lời con bé kể…

- Ba ạ - người con thứ mở lời – Tụi con mới xây nhà nhưng bọn trẻ hay ồn ào quá, cha nên ra ở riêng ở nhà dưới. Hằng ngày con sẽ cho bọn trẻ mang đồ cho ba. Con sợ ba ở nhà trên này không tiện…

Trong thâm tâm, ông hiểu là người con dâu thứ ba là người đứng sau, vì con bé con đã nói cho ông như vậy. Một phần vì ông hiểu cô con dâu khôn khéo không bộc lộ ra ngoài. Nhưng lại nhờ chồng như đuổi khéo cha. Ông nín lặng dọn đồ xuống nhà bếp ở. Hai vợ chồng không chút áy náy vì nghĩ ba cũng vui lòng. Ông cụ ở đó, hằng ngày hai đứa cháu thay nhau mang rau luộc với cá khô xuống. Ông nín lặng hồi lâu vì một lần lên nhà lấy ít đồ thấy trên mâm cơm la liệt sơn hào hải vị: cua, mực, chả cá băm viên, thịt gà chiên bừa phứa, rơi cả xuống sàn và con chó đang liếm láp… Ông trở xuống nhà dưới nén tiếng thở dài… “Giờ ông có khác gì tù nhân?”



Con bé gái lớn đã 8 tuổi. Nó thấy ông cụ nhìn thấy mâm cơm ấy, nó cũng thương ông lắm. Có lần, nó lén giấu ba mẹ đem một hộp sữa cho ông cụ. Ông nhìn nó mắt nhòa đi mà đỡ lấy. Ông uống ngon lành. Ít phút sau, ông nghe trên nhà tiếng con bé khóc thét và mắng chửi của cô con dâu. Ông như muốn òa khóc vì thương con bé. Từ hôm sau đó không thấy nó mang cho ông cụ nữa. Không lâu sau, ông thấy cô con dâu đổ hộp sữa ra cái bát cho con chó liếm. Không biết có phải cô con dâu cố tình không… Ông ngồi co ro vào một xó suy nghĩ mà tủi về số phận mình nên tối đó ông bỏ nhà đi không từ biệt. Được năm hôm thì đói quá, ông mò về nhà. Chỉ có con bé con ở nhà. Nó ra đón ông rất tình cảm, lấy đồ cho ông ăn:

- Ông đi đâu mấy hôm nay thế?

- Ôg…ng… - giọng ông ngập ngừng…

- Mặc dù mẹ cháu bảo ông đi rồi, may quá. Nhưng ông hãy ở lại, ông đừng đi nữa. Ông xảy ra chuyện gì, bố cháu chết!...
Sự ngây thơ thật thà của trẻ con không có tội. Ăn xong, ông cụ ngồi nghỉ. Đến khi con bé bận, ông cụ lại bỏ đi, để lại cái thư: “Cảm ơn cháu của ông! Hiểu cho ông, ông không muốn là gánh nặng của ai hết” Giọt nước mắt ông long lanh trên trang giấy và giờ, nhỏ xuống đường…

Trời cuối đông thật lạnh!

…Leng keng… Từng đồng xu rớt xuống ống bơ nặng nề đau khổ… Giá mà, căn nhà không bán! Ông mơ lại cái ngày còn vợ và những đứa con thơ vui biết nhường nào, hạnh phúc biết bao… Giá mà, được quay lại cái ngày ấy, dù chỉ là một ngày cũng đủ hạnh phúc rồi. Ông chỉ có mong muốn nhỏ bé ấy thôi chứ nào có nhiều nhặn gì!
Nhưng hiện thực thì vẫn là hiện thực, đói thì đầu gối phải bò, phải đi xin thiên hạ, nên ông cụ mới cơ cực như thế này. Muốn sống không được, muốn chết không xong… Suốt một đời nhiều giông bão nhưng phút cuối đời thế này ông rơi vào bi kịch không khác gì con thuyền giấy giữa bão tố của biển khơi…

Miên man những suy nghĩ đã qua, cái rét thấm đến tận tủy… Ông cụ chợt thấy ánh bình minh lóe sáng trong ấm áp. Ông cụ mỉm cười bước về phía ánh sáng… không hề cảm thấy lạnh nữa…

Ông thấy trong gió nhẹ những hạt bụi vàng long lanh, ông như tan ra theo những hạt bụi ấy… Có lẽ cát bụi lại trở về với cát bụi là thế!

Một cô bé đi qua đường, bước chân chậm lại nhặt nốt giùm ông những đồng xu vào cái lon và đặt lại cạnh ông. Ông thấy cô bé cởi chiếc áo ấm của mình đắp lên thân xác đã tái nhợt, tím ngắt… rồi cô bé ôm mình rảo bước nhanh về phía cuối phố… “Đâu đó tình người vẫn còn ấm áp dù chỉ là của trẻ thơ!” Ông mỉm cười nhìn theo cô bé và hòa nốt phần hồn còn lại của mình theo cát bụi ấm áp kia...

22/11/2014

Thursday, January 10, 2019

Song sinh thất lạc



Mùa thu đến rồi! Đám lá cây rơi nhiều quá, kín cả một vùng sân trước nhà. Nhà nó ở một góc nhỏ của làng quê yên tĩnh. Không náo nhiệt, không ồn ã - Nơi nó thấy thực sự yên bình. Chẳng trách ba nó cứ khăng khăng ở đây. Nó lớn lên ở đây, tất nhiên yêu cái xứ này da diết. Mùa lá rụng là mùa thu vẫn đẹp, vẫn thanh bình đến lạ.

Bước chân nó xào xạc trên lá khô làm nó nhớ bài học về rừng cây lá đỏ… Thơ mộng đến nỗi, nó quên khuấy việc đi lấy củi về chất bếp. Có một rừng cây cao su ngay cạnh nhà. Bao nhiêu năm rồi nhưng thỉnh thoảng nó vẫn ra rừng cao su này, vẫn yêu thích đến mê mẩn ở đó... Có lần, nó còn ngủ quên ở đây, ba nó phải ra bế nó vào. Rồi lần khác, cũng trong rừng cây này, ba dắt tay nó, kể cho nó nghe chuyện về mẹ... Đó là lần đầu nó nghe chuyện của ba mẹ. Một tình yêu đẹp mà chính nó cũng mơ ước.

Quay trở lại hơn ba mươi năm về trước, khi ba mẹ còn là những cô bé cậu bé tuổi 15, 16. Mẹ là cô gái đến từ vùng biển và rất tự hào về điều ấy. Giáo viên cũng quý mẹ lắm bởi mẹ học thực sự rất giỏi. Ba của năm đó cũng là chàng trai rất được ngưỡng mộ. Song, từ khi mẹ về, đoạt mất ngôi vị giỏi nhất trường và đưa ba về á quân. Ba mới để mắt và tới làm quen. Da mẹ rám và đôi mắt trong đã gợi lên trong ba niềm thương mến đầu đời. Điều đó làm không ít cô gái khác ganh tị. Trong đó có Phượng. Cô gái không ít lần chia cắt trắng trợn. Không hiểu lí do gì lên đại học, cô ấy trao ba vật kỉ niệm rồi ra nước ngoài. Từ đó ba không còn nghe tin gì về Phượng nữa… Về phần mẹ con…

Mẹ con là người mạnh mẽ, không xinh đẹp hay giàu có. Bàn tay mẹ chai theo những lần kéo lưới cá trên biển, từng hơi thở, làn da và tất cả con người của mẹ cũng đượm nồng nàn vị của biển, không lẫn đi đâu được. Mẹ đẹp nhất đôi mắt biết cười luôn long lanh lắm. Mẹ giàu lòng vị tha và đức hi sinh cả cho muôn loài, muôn vật. Có lẽ bởi lòng nhân ái đến vậy nên gần như bài văn nào mẹ cũng làm cả lớp khóc. Gặp con chó con bị bỏ rơi, mẹ cũng tha về thuyết phục ba bằng được cho nuôi. Mẹ con tinh ý đến mức cái mầm cây hoa đá con con mới mọc ngoài vườn, mẹ đã biết và chuyển vào chậu chăm sóc rất kĩ. Mẹ còn có thói quen đọc sách. Thói quen mà mẹ không bao giờ bỏ kể cả khi không khỏe.

Có đợt mẹ ốm nặng mà vẫn gượng dậy chỉ để nói: “Anh à, em không sao đâu! Anh đừng lo”. Trong khi trán nóng hầm hập, mẹ như kiệt sức thì vấn sợ người khác lo cho mình. Mẹ nó là thế đấy! Mẹ còn sửa xích xe cho tụi trẻ con không quen biết bị hư xe gần nhà. Mẹ làm mọi việc lớn nhỏ chẳng hề than. Trong đời mẹ cũng chưa từng giữ hận thù ai, dù có những người đi qua đã giày xéo cuộc đời mẹ, mẹ đều độ lượng bỏ qua hết: Khi mẹ vất vả kiếm từng đồng, mụ chủ hàng bánh mì quỵt trắng của mẹ 2 sọt bánh, rồi khi ba yêu mẹ, Phượng xen vào những trái ngang. Rồi cả lần mẹ bị ép gả cho tên giàu có nữa…

Ba mẹ cưới nhau được gần tròn 3 năm thì có các con. Ba mẹ đã hạnh phúc biết bao. Nhưng hạnh phúc chưa tròn thì mẹ con ra đi vì hậu sản. Dưới sự giằng co với thần chết, mẹ con đã ôm hôn và cho các con bú trong nước mắt, mặt tái đi mà vẫn bình thản nói với ba:

- Em không sao, anh đừng lo. Con mình phải thật tốt. chúng sẽ khôn lớn khỏe mạnh. Hứa với em! Bây giờ em mệt rồi, muốn nghỉ ngơi. Anh bế con ra đi!

Ba bế các con ra, mẹ nhìn ba mỉm cười. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt mẹ. Mẹ con ngủ nhẹ nhàng và mãi mãi…

- Các con ư? - Tôi tròn xoe mắt

- Đúng, các con! Thực ra ba vẫn giấu con một chuyện. Con có một người anh trai song sinh nữa…

- Vậy anh con đâu? Sao ba lại giấu con?

Tôi không hề biết mình có anh song sinh. Và lại thời gian qua, tôi vẫn sống, lớn lên như một cá thể độc lập…

- Ba cũng không biết anh con ở đâu. Đã lâu lắm rồi. Khi đó ba không đủ điều kiện trang trải cho cả hai đứa. Ba đã gửi nó đến nhà một người bạn. Nhưng sau này, người bạn nói với ba đã lạc mất đứa nhỏ… Ba chết sững, đi tìm rất lâu, rất lâu nhưng vẫn không thấy… Thế rồi ba nghĩ chắc mẹ muốn giữ anh con…

Thấy mắt ba rớm lệ, nó không dám hỏi gì thêm nữa. Dưới rừng cây cao su, nó dựa đầu vào ba mà ngủ. Cơn gió mát lành mơn man, du dương trên những tán lá cây…

Thời gian rồi, thi xong. Nó hồi hộp chờ kết quả và mừng ứa nước mắt là nó thi đạt với số điểm cực cao. Nó trở thành một cô cảnh sát giỏi. Sau này đã phá được nhiều vụ án lớn. Trong đó có một vụ mà khiến nó bàng hoàng.

Ở phía đông thành phố dạo ấy rộ lên một băng nhóm không gây sự đánh nhau gì nhưng dính líu vào vụ giết người. Nó nghĩ cũng là ngoài ý muốn thôi. Vì theo báo cáo sơ bộ, người bị giết cũng là một tên trộm chó. Nhưng dù sao theo lệnh và pháp luật vẫn phải bắt thẩm tra.

Không mất quá nhiều công sức, đội cảnh sát tóm gọn băng đảng gồm… 5 tên đang hoạt động. Lúc đầu tưởng nhiều lắm nhưng ra là kẻ vào được một thời gian lại đi. Cứ vậy nên giờ chỉ còn có 5. Đứng đầu là một tên khá đẹp trai. Nó dẫn nhóm người về sở cảnh sát mà có gì đó trong lòng cứ bồn chồn không yên. Đồng đội đi cùng nói nhỏ: “Tên trưởng nhóm này có nét rất giống mày đó!”. Là một cảnh sát giỏi, nó tự ái và gắt: “Bộ muốn tóm tôi làm thủ phạm luôn phỏng?”

Nó được giao thẩm vấn tên đầu xỏ đến khi sáng tỏ sự việc.

- Anh tên gì?

- Phan Kiệt Luân.

- Anh bao nhiêu tuổi?

- 26.

Trùng hợp thật, mình cũng 26. Tôi nghĩ…

- Hoàn cảnh gia đình anh thế nào? Ba mẹ làm gì? Ở đâu?...

- Mẹ tôi là giáo viên. Ba là kĩ sư công trường nhưng tôi thất lạc gia đình lâu rồi. Mà cán bộ hỏi gia đình nào? Tôi có hai gia đình!

- Tôi hỏi gia đình mà ba mẹ anh ấy, không phải anh và vợ anh…

- Tôi chưa lập gia đình thưa cán bộ. Ý là, gia đình kia là ba mẹ nuôi. Gia đình gốc của tôi là khác. Gia đình… mẹ tôi mất rồi. Ba tôi không làm gì cả. Tôi cũng có một đứa em gái song sinh. Nhưng sau…

Nghe đến đó, như có một dòng điện chạy dọc xương sống lưng, giật mạnh vào óc. Chân tay run lên... Sao lại … Sao lại trùng hợp đến thế được nhỉ?! Nó gần như giật thót tim. Vừa mừng vừa lo. Một cảm giác lạ xâm chiếm… Nhưng nó giữ bình tĩnh vì biết đâu chỉ là trùng hợp. Sự thông minh nhanh nhạy của mẹ nó như truyền đến nó. Nó nói:

- Chúng tôi cần lấy máu của anh xét nghiệm để đảm bảo anh không sử dụng chất kích thích trong quá trình gây án…

- Nhưng... cán bộ, tôi không phải người đã ra tay…

- Tôi cần kiểm tra tất cả! - Nó nói đanh thép.

Chàng trai trẻ không nói gì. Nó gọi bác sĩ quân y vào lấy máu. Sau đó cho tạm giam chàng trai trẻ. Kết quả xét nghiệm ADN không ngoài sự chuẩn bị của nó. Nó đứng sững với tờ giấy kết luận anh em ruột!...

Nó sắp xếp buổi thẩm vấn tiếp theo. Điềm nhiên như chưa có gì. Nó rất giống mẹ.

- Tại sao anh lập băng đảng này?

- Tôi bị lạc ba mẹ nuôi. Sau đó được người ta dẫn vào cô nhi viện. Năm 18 tuổi tôi mới xin phép ra ngoài. Cán bộ không nên gọi nó là băng đảng vì mục đích đầu tiên và đến giờ của tôi vẫn là lương thiện, giúp đỡ mọi người và đặc biệt những đứa trẻ như trong cô viện…

- Thế còn vụ giết người? - Tôi lạnh lùng.

- Tôi đã bảo cán bộ, tôi không ra tay mà. Với cả chẳng phải dân cũng ủng hộ sao vì bao nhiêu nhà bị mất trộm con vật như bạn thân ấy rồi? Đó cũng là điều tốt mà. Chúng tôi cũng có công bắt hắn. Nhưng chẳng may lúc đánh, hắn giơ đầu ra đỡ nên mới vậy…

Nó mỉm cười trước vẻ bực dọc phân minh của anh. Vì… :

- Em thả anh ra được rồi, Cao Cường ạ!

Anh chuyển từ giận dữ sang kinh ngạc nhìn nó, không thốt lên lời. Nó biết không phải vì cái tin anh được thả mà vì cái tên nó vừa đọc…

- Em? Cao Quỳnh?... - Anh nheo mắt lại - Em là Cao Quỳnh thật ư? - Anh bàng hoàng…

Lúc này nó mới thả cho cảm xúc vỡ òa, nhảy ra khỏi bàn thẩm vấn ôm lấy anh, bật cả cái mũ cảnh sát mà nó yêu nhất. Nó nghẹn ngào trong nước mắt như tất cả yêu thương dồn nén bấy lâu nay: “Đúng… đúng rồi”. Nó gật đầu trên vai anh nói trong tiếng nấc: “… Em… Quỳnh, em là Quỳnh đây… Anh vẫn còn nhớ em sao?”

Anh khóc! Hai bàn tay ôm lên vai em đang run lên theo tiếng nức nở…

- Ba kể em nghe nhiều chuyện hồi bé rồi… Em tìm anh mãi…

Cảm xúc cứ trôi trong không gian như ngưng lại. Anh vẫn không thốt lên lời… Nước mắt cứ thi nhau rơi xuống… Đợi cho bình tĩnh lại, anh mới hỏi:

- Em và ba sống ra sao? Ba có khỏe không?...

- Anh em mình về thăm ba thôi. Đợi em chút, em đi xin phép!

Nó trình bày sự việc với chỉ huy xong, xin phép về. Chỉ huy duyệt ngay vì anh bảo là chuyện đáng mừng quá. Em cứ về nghỉ! Nó dẫn anh về ngôi nhà quen. Ba chết chân nhìn hai anh em. Rồi anh nó chạy đến mà ôm ba… anh lại khóc. Nó nhìn, mỉm cười… Tính anh giống ba, còn nó giống mẹ. Ba nó đưa tay sờ nắn mặt anh thật kĩ, ngắm anh thật lâu, rồi ba ôm lấy cả hai đứa đầy xúc động: “Con đã về thật rồi!”

Hôm đó, ba thắp hương lên cho mẹ mà tâm sự mãi không nguôi….

15/3/2012

Thanh Xuân - Quãng Thời Gian Vô Giá Để Tôi Trưởng Thành




Hãy Biến Thanh Xuân Thành Cơn Lốc!

Thanh xuân của mình không mộng mơ hay đẹp đẽ. Đối với mình đây là một quãng thời gian đầy nhiệt huyết với vô vàn những khó khăn, thử thách và đôi lúc là bất hạnh. Nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của mình thiếu đi niềm vui. Niềm vui đó đến từ bản thân, từ gia đình, từ bạn bè và từ tất cả những người xung quanh, những người trong tầm ảnh hưởng của mình. Và đây cũng là điều làm mình thấy tự hào nhất ở bản thân. Nhưng suy cho cùng, niềm vui đó chỉ được chọn vẹn khi mình đạt được những thành tựu nhất định. Trước đi điều đó xảy ra, mình đã bị những lời phải đối, lời mắng chửi kịch liệt từ phía gia đình, bởi những bất đồng trong tư tưởng giữa hai thế hệ.

Trong quá trình trưởng thành của mỗi chúng ta, ai rồi cũng sẽ mắc phải những sai lầm hay rơi vào những nghịch cảnh. Khi ta chán nản, buồn bã, tuyệt vọng,... vì những bất công trong cuộc sống, vì vấp ngã trong đường đời, hay vì những lời coi thường, phỉ báng từ người khác,... dù nó có là gì đi chăng nữa ta vẫn phải cười thật tươi với bản thân, vì ta vẫn đang quá may mắn. Ta có gia đình để yêu thương, có nhà để ở, có áo ấm để mặc, chăn êm để đắp mỗi khi đông về,... Và quý giá hơn cả, ta còn trẻ, còn cả một tương lai rộng mở trước mắt. Tương lai đó ra sao phụ thuộc tất cả vào thái độ nhìn nhận của ta trong thời điểm hiện tại.


Nếu như ngay lúc này, ta đang giống như bà cụ trong hình, không gia đình, không nhà cửa, không áo ấm,... bản thân ta sẽ cảm thấy ra sao? Tiếp tục sống trong đau khổ hay chết đi cho bớt đau lòng?

Với bà cụ thì không, bà luôn nở nụ cười với 1 chiếc răng cuối cùng còn lại, với suy nghĩ lạc quan: "Cứ sống quen đi, nghĩ ngợi làm gì. Suốt đời cứ phải lo toan rồi. Cuộc đời ai chả có lúc gian nan, cứ bơ đi mà sống!" (Trích nguồn kênh 14).



Trong hoàn cảnh như cụ mà cụ vẫn có được thái độ lạc quan đến như thế thì hãy nhìn lại bản thân, mình đã xứng đáng với những gì mình đang có?

Tuổi trẻ là tuổi nhiệt huyết nhất, máu lửa nhất, thực hiện tất cả những gì mình cho là tốt trong tương lai. Việc ta làm có thể đúng, có thể sai. Nhưng có trải qua khó khăn vất vả, có nếm được kha khá đắng cay của cuộc đời, ta mới có thể trưởng thành, biết trân trọng những gì ta đang có và quyết tâm hơn để chinh phục những gì ta muốn trong cuộc sống vật chất thiếu tình người này. Vậy mới đáng quãng thời gian tuổi trẻ.

Nhiều khi ta luôn đi tìm cái gọi là động lực, cứ tìm mãi, tìm mãi...

Không thấy hay chỉ nhất thời thì đâm ra chán nản, buồn rầu, tiếp tục sống buông thả, mặc đời xô đẩy đến đâu thì đến. Nói vậy thôi chứ cũng chẳng được lâu, vì ta đang sống trong sự bao bọc của gia đình, phụ cấp từ người thân. Giả sử tất cả đã già yếu thì chuyện gì xảy ra? Ta đang sống hay chỉ tồn tại ăn bám một cách đúng nghĩa?

Còn khi tìm thấy thì đa phần ta chìm đắm trong cái động lực, cái viễn cảnh viển vông mà bản thân mường tượng. Làm thì không làm nhưng được cái nói hay, một cách sáo rỗng. Chính ta là người hiểu cảm xúc của mình nhất, đó là sự rụt rè, không dám bước ra khỏi cái vùng an toàn của bản thân. Và chính ta đang dần dần hủy hoại tương lai của chính mình.

Vậy có đáng không?

Chúng ta được sinh ra trong tình yêu thương, che chở, bao bọc của bố mẹ. Đó là thứ tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất. Nhưng nó lại là nguyên nhân chính hình thành lên con người ta bây giờ, một con người với vỏ bọc quá dày, yếu kém về tinh thần, ngại khó khổ, không chịu được áp lực lớn, chỉ muốn được sống đầy đủ, rồi sung sướng, muốn đi ăn những đồ ăn ngon, mua đồ hàng hiệu, đắt tiền, du lịch đó đây,... Chỉ biết sướng cho bản thân mà không lo nghĩ đến người khác. Nhưng dẫu vậy cũng đừng trách bố mẹ, họ chỉ muốn nhìn thấy ta được sống khỏe mạnh, đầy đủ như con cái bất cứ ai, để con mình không bị quá thua kém mà tự ti, mặc cảm. Có trách thì hãy trách bản thân mình không chịu suy nghĩ, cứ sống vô tư mà chưa từng đặt mình vào vị trị của bố mẹ, họ phải tất bật lo toan cho công việc, ngày đêm nỗ lực để kiếm tiền nuôi chúng ta.

Kể từ lúc này, mình muốn tất cả các bạn, những ai chưa thực sự thức tỉnh, đã đến lúc chúng ta đứng dậy, thể hiện và chứng minh cho tất cả mọi người thấy con người thực sự trong mỗi chúng ta. Hãy tỏ lòng yêu thương, sự biết ơn đến bố mẹ mỗi ngày. Cùng với đó là đi tìm con người đích thực của ta. Hãy tự hỏi mình sinh ra để làm gì? Mình muốn điều gì xảy ra trong cuộc sống? Mình xứng đáng sống trong một cuộc sống như thế nào? Mình có muốn những người yêu thương mình, những người mình yêu thương được hạnh phúc?

Hãy hướng vào bản thân, hiểu rõ mình và ta sẽ biết mình cần phải làm gì để đạt được tất cả những gì mình muốn. Đó sẽ là nguồn động lực vĩnh cửu trong suốt quá trình sống còn lại của ta. Mỗi khi khó khăn, vấp ngã, hình dung lại nó,nhìn vào nó và ta sẽ lại tràn đầy năng lượng để tiếp tục hành trình hiện thực hóa mục tiêu. Cuộc sống này còn quá nhiều điều tươi đẹp, những nơi mới mẻ, những món ăn ngon, những con người tốt bụng đang chờ ta phía trước. Và cũng còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh ở ngoài kia đang mong ngóng sự cứu giúp của chúng ta hằng ngày, hằng giờ...

Tâm chí ta không có chỗ cho những lời đàm tiếu rẻ rách của những người ngoài cuộc. Bởi thực chất, khi ta đạt được một thành tích nho nhỏ, người ta khen ngợi. Khi ta thành công lớn, họ xum xoe lại gần, tiếp cận ta hòng hưởng lợi hay nhờ vả. Nhưng khi ta vấp ngã, cũng chính họ là người dìm ta xuống đáy. Nhưng đâu có đơn giản chỉ như vậy, nó còn ảnh hưởng đến những người thân của ta, bố mẹ, ông bà bị mang tiếng: “Tưởng con cháu ông bà ghê gớm thế nào, chỉ là đứa phá của, thất bại,…”. Đấy mới là cảm giác chạm đáy nỗi đau. Nhưng hãy cứ mạnh mẽ, cứ là chính mình và lao vào hiện thực hóa tất cả. Thành công là cái tát mạnh nhất vào lương tâm những kẻ khinh thường ta. Không phải mất thời gian giải thích hay đôi co với họ. Bởi họ không đủ tư cách để nói chuyện với ta.

Sống và và làm việc hết mình để bản thân khi về già không phải nuối tiếc; để bố mẹ, ông bà tự hào; để gia đình nhỏ trong tương lai của ta được hạnh phúc trọn vẹn. Chúng ta xứng đáng nhận được những điều đó, và tất cả đang nằm trong tay chúng ta. Nắm lấy nó và sống hết mình, sống một cuộc sống mà ta hằng mơ ước.

Chỉ cần trong ta niềm tin đó luôn cháy mãnh liệt.

Tất cả sẽ sớm đến thôi!

5 ngày cuối cùng của Billy


Tác giả: Vũ Kiều Ngọc
Thể loại: Tự sự


5 ngày cuối cùng của Billy” là một truyện ngắn dành cho người trẻ viết theo phong cách mầm non. Kể về chú ruồi Billy và hành trình đi tìm kiếm giá trị của cuộc đời mình. Thông thường, một chú ruồi trưởng thành chỉ có thể sống vỏn vẹn 5 ngày. Vậy trong 5 ngày đó, Billy tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi như thế nào? Và nếu như bạn cũng giống tôi, đến một ngày nào đó chúng ta mở mắt sau khi ngủ dậy một đêm dài, bất chợ nhận ra cả thế giới này đều biến thành những con ruồi và chỉ sống được 5 ngày, bạn sẽ làm gì?

Tuesday, December 25, 2018

Họa

Không ai đánh thuế giấc mơ, cũng như không ai chắc chắn rằng mình không vỡ mộng. Năm mười tám tuổi, ngòi chì dài gãy đôi trên nền giấy trắng, bức vẽ còn đang dang dở đem theo nét vẽ sai xấu xí hóa thành tàn tro.
(Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
Có một lần, Thảo tìm thấy một bức tranh nằm gọn dưới lớp quần áo trong tủ. Bức tranh vẽ bằng chì than được gói kĩ bằng một lớp bọc kiếng. Sau nhiều năm, bức vẽ chưa hoàn thiện vẫn hiện rõ chân dung một cậu con trai được tỉa tỉ mẫn đến từng sợi tóc tơ. Thảo ngắm nhìn bức tranh không rời mắt, khóe miệng nở nụ cười thật buồn. Sáu năm trôi qua từ khi tốt nghiệp, người trong ảnh có lẽ cũng như cô, chẳng còn cố sống cố chết theo đuổi những điều ấu trĩ của tuổi trẻ.

Người ấy bảo, nghệ thuật cũng như ma thuật, hội họa là ma thuật của bàn tay. Thảo vẫn nhớ như in, người đó sau mỗi giờ học, thường dùng phấn vẽ những vệt trắng không rõ ràng lên bảng. Rồi nhiều đường chắp vá lại, theo quy luật mà một đứa chẳng biết gì về nghệ thuật như Thảo không tài nào hiểu được, tạo thành một khuôn mặt xinh đẹp rạng ngời. Năm đó hai người mười sáu tuổi. Đam mê của người đó truyền qua những đầu ngón tay, đưa đến Thảo một cảm xúc mạnh mẽ, dữ dội đến mức cô quyết tâm học theo người đó ngay lập tức. Hai người con người không phải xa lạ, nhưng cũng không mấy thân quen, cùng nhau chia sẻ đam mê, mỗi ngày đều miệt mài vẽ nên những giấc giấc mộng.
Không ai đánh thuế giấc mơ, cũng như không ai chắc chắn rằng mình không vỡ mộng. Năm mười tám tuổi, ngòi chì dài gãy đôi trên nền giấy trắng, bức vẽ còn đang dang dở đem theo nét vẽ sai xấu xí hóa thành tàn tro.
"Mình đã nói với bố rằng mình muốn làm họa sĩ, mình sẽ đăng kí nguyện vọng vào một trường nghệ thuật ở Hà Nội để được đào tạo chuyên sâu hơn. Lúc đó bố đã đánh mình và xé nát tờ đăng kí..."
Trong quán nước trước cổng trường sau giờ học, Thảo và người đó ngồi trò chuyện về những dự định trong tương lai. Với gò má vẫn còn sưng, người đó cười gượng gạo kể cho Thảo nghe câu chuyện của mình. Giai đoạn này với những học sinh lớp mười hai là một giai đoạn cực kì quan trọng, quyết định hiện tại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai sau này. Không giống người đó, gia đình Thảo có suy nghĩ thoáng hơn, kể cả bây giờ Thảo có đổi nguyện vọng từ thương mại sang nghệ thuật thì cũng chẳng có vấn đề gì to tát. Nhưng người đó thì khác hẳn, bố người đó là một doanh nhân, ngay từ nhỏ đã định hướng cho người đó theo con đường kinh tế. Thảo có thể hiểu, với một ông bố như vậy, việc nghe con trai mình nói rằng sẽ đi theo nghệ thuật là một điều khó mà lọt tai được, huống hồ gì ủng hộ.
"Vậy giờ cậu sẽ thế nào? Phải theo kinh tế sao?" Thảo hỏi, bằng một giọng lo lắng vừa đủ.
"Không." Người đó đáp. "Mình vẫn sẽ theo vẽ, mình đã quyết định rồi. Mình muốn làm một công việc khiến mình cảm thấy hạnh phúc."
"Vậy... còn bố cậu?"
"Chắc phải mất một thời gian mới thuyết phục được... Nhưng mình tin có quyết tâm thì thế nào bố cũng đồng ý thôi!" Ngừng lại một chút, người đó hỏi. "Vậy còn Thảo, không tính học vẽ thật hả? Mấy năm qua đã cố gắng vẽ chẳng phải để sắp tới thi vào trường Mĩ thuật công nghiệp sao?"
"Ban đầu mình cũng định vậy." Thảo cười. "Nhưng mình không đủ tự tin rằng vẽ sẽ nuôi mình sau này được. Vẫn nên học một ngành nào đó chắc chắn thì hơn."
"Suy nghĩ sao cứng nhắc quá..."
"Mình cũng thấy vậy mà không thể đi ngược lại suy nghĩ đó như cậu được." Thảo lại cười. "Cái này người ta vẫn thường gọi là bất tài ấy nhỉ. Thực tế thì có đủ dũng khí để theo đuổi đam mê cũng là một loại tài năng."
Cả hai cùng bật cười, không khí nặng nề dường như đã vơi đi được chút ít.
Những ngày tháng năm, hai hàng cây Osaka được trồng giữa sân trường nở rộ những chùm hoa vàng lộng lẫy. Sau mỗi giờ học, trong khi mọi người hối hả về nhà để đến những lớp học thêm chuẩn bị cho kì thi quan trọng sắp tới, người ấy và Thảo lại luôn cố nán lại trường. Dãy cửa sổ bên hông phòng học đón trọn những tia nắng vàng ươm buổi chiều tà, dưới những tia nắng vàng ươm đó, người ấy và Thảo thường ngồi đối diện nhau ở bàn giáo viên, lúc thì cả hai cùng nhau ngồi vẽ, lúc lại cùng nhau làm bài tập. Những ngày ấy sao thật nhẹ nhàng.
***
Thảo không tài nào quên được, thầy chủ nhiệm dành nguyên một tiết sinh hoạt lớp và cả tiết Lý của thầy trước đó chỉ để định hướng lại ngành thi cho học sinh. Thầy bảo, một số em chọn ngành học theo phong trào quá, một số lại chọn ngành học không phù hợp với thực tế chút nào. Cả tiết hôm đó ngoài những câu từ rập khuôn mà thầy vẫn luôn nói với bao thế hệ học sinh, còn có những câu mắng có vẻ nhẹ nhàng thầy dành cho người đó. Có vẻ bố người đó đã nói gì với thầy nên hôm nay, thầy quên cả buổi văn nghệ sinh hoạt thường lệ mà thầy rất thích, ngồi trước mặt người đó, thầy khuyên nhủ không thôi. Lần đầu tiên trong lớp học, khóe mắt cô đỏ hoe khi nhìn thấy người đó siết ba lô thật chặt trong tay, như thể nếu không làm vậy, bao công sức đã bỏ ra cũng như ước mơ ấp ủ bấy lâu của người đó cũng sẽ theo tờ nguyện vọng trong ba lô rách toang thành trăm mảnh. Khoảnh khắc đó Thảo nhận ra, được làm điều mình thích quả thật là niềm hạnh phúc to lớn nhất trên đời.
Khi người đó quyết tâm giữ vững quyết định cũng là lúc mâu thuẫn gia đình người đó bị đẩy lên cao nhất. Sau khi thi xong, người đó lên thành phố tự sống một mình, bắt đầu đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống. Một lần Thảo cùng vài người bạn trong lớp đến thăm, phòng trọ người đó sống ngổn ngang giấy và màu vẽ, khó khăn lắm mới dọn dẹp được một chỗ đủ rộng để nhóm sáu người ngồi. Dạo này cậu sống ổn không, Thảo hỏi, người đó lắc nhẹ đầu, không ổn một chút nào, cuộc sống một mình vốn dĩ chẳng bao giờ là dễ.
Thảo học ngành quản trị kinh doanh, người đó học đồ họa. Khác nhau là thế, hai người vẫn thường gặp nhau, trò chuyện không thôi về việc học hành, cuộc sống hiện tại. Người đó buổi sáng đến lớp, hễ rảnh là lại đến một quán cà phê gần phòng trọ để phụ việc đến tận mười giờ đêm, về nhà ăn bữa ăn qua loa rồi lại miệt mài ngồi vẽ. Chỉ sau vài tháng không gặp, người đó gầy hẳn đi, lại có vẻ già hơn trước. Mỗi lần nhìn thấy vẻ mặt tươi cười của người đó khi gặp cô trong quán cà phê mà người đó làm thêm, Thảo lại thấy lòng mình thắt lại.
Có dạo Thảo hỏi, hay là cậu hỏi xin bố giúp đi. Dù mẹ có lén giúp cậu tiền học phí thì làm thêm cũng không thể trang trải đủ chi phí sinh hoạt trong thành phố khắc nghiệt này. Lại còn phải đầu tư cho môn học, họa cụ đâu có rẻ, với cả nâng cấp thẻ đồ họa trong máy, chi phí đó sao có thể lo nổi. Người đó gật gù, hay là nên làm vậy đi, nhưng trong thâm tâm người đó biết rõ rằng bố sẽ không bao giờ thay đổi.
"Nếu làm việc cho khách nước ngoài, thu nhập nhất định sẽ khá khẩm hơn so với làm việc ở Việt Nam." Thảo bảo, những nghệ sĩ thành danh chia sẻ điều này cho các thế hệ đi sau. Quả thực khi nhìn tỉ giá ngoại tệ, vẽ tranh cho người nước ngoài đúng thật là một công việc trong mơ. Nghe vậy, người đó cười bảo, nếu làm giàu dễ dàng như vậy, thiên hạ đã đổ xô đi làm họa sĩ hết rồi, sẽ chẳng còn ai mua Vietlot nữa. Cả hai cùng bật cười trong không gian yên tĩnh của quán cà phê lúc mười một giờ hơn. Không một công việc nào là dễ, thêm nữa, yếu tố quyết định không đơn thuần chỉ là giỏi về chuyên môn.
"Mình sẽ làm khách hàng đầu tiên của cậu!" Thảo nói chắc nịch. "Mình muốn cậu vẽ chân dung cho mình, phải có màu, có nhũ, mình sẽ đóng khung, đem về nhà và treo nó lên tường."
Người đó nghĩ rằng Thảo đùa, nhưng cô nghiêm túc thật sự. Người đó bảo, nếu là Thảo, người đó tình nguyện vẽ miễn phí cả đời. Thảo xua tay, cho dù nghệ thuật không thể đem cân đo với tiền, nhưng nghệ sĩ không được phép bán rẻ nghệ thuật, cứ hãy xem cô như những vị khách khác, cậu vẽ, cô trả tiền, như thế cả hai đều sẽ vui.
Những lúc rảnh rỗi, Thảo thường mang khung giấy ra quán cà phê, để rồi trong lúc người đó làm việc, Thảo lấy ngòi chì than dài dậm những nét đậm nhạt trên mặt giấy. Lúc bưng cà phê đi ngang qua chỗ Thảo ngồi, người đó hỏi Thảo đang vẽ ai, truyền thần luôn cần có mẫu vẽ, nhưng bây giờ không có mẫu, việc đi nét sẽ rất khó khăn. Thảo bật cười, mẫu có ở đây, chỉ là mẫu này không ngồi yên một chỗ mà phải chạy qua chạy lại lấy cà phê cho khách. Người đó nhìn Thảo, cô mỉm cười, mặt người đó bỗng hồng lựng như trái gấc chín, bước vội vào phía trong.


"Mình không bỏ vẽ." Thảo nói. "Mình cần một nghề tay phải để nuôi nghề tay trái, vậy nên đến lúc đó, bọn mình nhất định sẽ lại cùng nhau vẽ ở một nơi yên tĩnh giống lớp bọn mình học ngày xưa. À, mình còn chưa vẽ chung với nhau một bức nào cả, chắc sắp tới phải làm một bức vẽ của hai đứa đi thôi."
Người đó mỉm cười, hai người cùng nhau nghéo tay. Bên ngoài, ráng chiều nhuộm vàng một góc thành phố đã dần chuyển sang màu sẫm. Quán cà phê yên tĩnh đắm mình trong giai điệu nhẹ nhàng của một bản tình ca.
Sang năm ba, cuộc sống của người đó vẫn không khả quan là mấy. Người đó đã bắt đầu kiếm được tiền từ tranh vẽ, nhưng số tiền ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống, người đó vẫn phải đi làm thêm sau mỗi giờ học. Lại thêm đồ án càng ngày càng nhiều thêm, có những lúc thời gian để ngủ chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ.
Nhờ một người quen, Thảo bắt đầu thực tập trong một công ty về xuất khẩu đồ gia dụng. Thời gian hai người gặp nhau dần hẹp lại, thậm chí cũng ít nhắn tin. Cô sợ sẽ lấy mất đi khoảng thời gian quý giá của người đó nên cuối mỗi tin nhắn vào buổi tối, cô đều để lại dòng chữ bảo không cần phải hồi âm. Sáng ra đến lớp, người đó nhắn cho cô những dòng chữ hỏi han như thường lệ, hai người quan tâm nhau theo một cách rất đỗi giản đơn.
Mọi chuyện sẽ vẫn cứ tiếp diễn nếu người đó không nhập viện vì kiệt sức. Thảo hoàn toàn không biết, mãi đến khi một bạn cũ trong lớp gọi điện thông báo thì người đó đã không còn ở đây nữa. Bố người đó đã đến bệnh viện, rồi không cần biết người đó thế nào, ông đã dọn sạch đồ dùng trong phòng, nộp đơn xin chuyển trường và ép người đó phải rời đi. Điện thoại không còn liên lạc được, mọi liên lạc biến mất hoàn toàn, dễ dàng như khi người ta xé nát một bức tranh hỏng.
Thảo ra trường, ngoài thời gian đi làm theo giờ hành chính ở công ty và thời gian chuẩn bị công việc ở nhà, thời gian rảnh của cô thoáng hơn nhiều so với lúc còn đi học. Có những hôm, cô dựng giá đỡ, đặt tờ giấy gọn gàng lên trên giá, khay màu và dụng cụ vẽ cũng đã được bày sẵn trước mắt, nhưng cô chỉ ngồi thẫn người nhìn vào tờ giấy trắng. Cô không vẽ được. Cô không tài nào lí giải được rằng tại sao từ lúc đi làm, cô không tài nào tập trung vẽ nổi một bức tranh. Thậm chí cố o ép mình vào một khuôn mẫu dựng sẵn, cô cũng không tài nào phác ra được hình khối cơ bản của khuôn mặt. Cảm xúc của cô bây giờ nhợt nhạt, không còn đủ để cô vẽ những đường nét mềm mại lên khung giấy như trước.
Cô nhớ cảm giác dữ dội mà bức tranh người đó vẽ truyền đến trái tim cô, cô nhớ cảm giác hạnh phúc tột cùng khi nghe người đó khen tranh cô vẽ thật đẹp. Cô nhớ những lúc bầu trời tịch dương nhuộm đỏ một góc thành phố, người đó ngồi ngay trước mặt làm mẫu cho cô vẽ, thỉnh thoảng lại nhìn cô, nở nụ cười thật dịu dàng. Những ngày tháng đó có lẽ sẽ chẳng bao giờ trở lại, cũng như bức tranh dang dở vùi trong tủ áo mãi mãi không thể hoàn thành. Như nàng tiên cá trong chuyện cổ tích, hi sinh tất cả đổi lấy đôi chân trần tục theo đuổi ước vọng viễn vông, để rồi ước vọng không thành, nàng hóa thành trăm nghìn bọt biển mà tan biến.
***
Thảo nhận được một lá thư tay, địa chỉ gửi từ Melbourne nước Úc. Lá thư gửi đến trường đại học cho Thảo, trong khi cô đã ra trường được hơn một năm. Thầy quản lý sinh viên vẫn còn nhớ Thảo nên đã giúp cô giữ nó.
Thời buổi này chẳng còn ai gửi thư tay nữa, Thảo nhủ thầm khi xé bao thư. Trong phong thư đính kèm một bức tranh khổ nhỏ, vẽ cô gái tóc dài ngang vai đang ngồi trước khung tranh. Khóe mắt Thảo đỏ hoe khi đọc những dòng chữ trong thư.
Người đó đã trải qua một năm vô cùng khốn khổ. Nhưng tất cả rồi cũng qua.
Người đó vẫn sống tốt.
Bây giờ, người đó vẫn đang học lên cao để lấy bằng thạc sĩ ngành quản trị.
Tranh người đó vẽ vừa được treo tại triễn lãm về tranh truyền thần của trường đại học. Hiện tại, vẽ tranh không còn là nghề, người đó chỉ vẽ vì đam mê.
Đợi đến khi mình về nước, chúng ta sẽ lại vẽ tranh cùng nhau. Bức tranh sẽ được dậm chì nhạt, có thêm màu, phủ thêm một lớp nhũ, đóng khung cẩn thận treo trong phòng khách.
Bức tranh vô giá chỉ của riêng hai người.
Hết.
Hagitachi